AI phát triển đặt ra nhiều thách thức về đạo đức và trách nhiệm. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về các vấn đề quyền bảo mật, riêng tư cũng như trách nhiệm pháp lý khi sử dụng công nghệ này hiện nay.
1. Tổng quan AI tại Việt Nam
1.1. Chính sách hỗ trợ trí tuệ nhân tạo từ chính phủ
Ngày 5/12, Chính phủ Việt Nam và Nvidia vừa ký kết mở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo (Vietnam Research and Development Center – VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI nhằm thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hai trung tâm được đánh giá là nền tảng giúp Nvidia cùng các đối tác trong nước triển khai hệ thống thông minh tiên tiến, mở ra cơ hội phát triển ngành công nghệ tỷ USD – công nghệ AI những năm tới.
- Chiến lược quốc gia về AI:
Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ số đến năm 2030 nhằm đưa trí tuệ nhân tạo AI trở thành một lĩnh vực công nghệ then chốt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó, góp phần tạo ra những bước tiến vượt bậc trong năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia và thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng bền vững.
Chiến lược đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong năm quốc gia dẫn đầu ASEAN và thuộc nhóm 60 quốc gia dẫn đầu thế giới trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, hướng tới xây dựng năm thương hiệu AI có uy tín trong khu vực và thiết lập một trung tâm quốc gia chuyên về lưu trữ dữ liệu lớn, tính toán hiệu năng cao.
Ngoài ra, cần tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trí tuệ nhân tạo mà Việt Nam có tiềm năng cạnh tranh cao. Ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ số thông minh trong các lĩnh vực trọng điểm như quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên, môi trường, dịch vụ cho cộng đồng và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các doanh nghiệp ứng dụng AI cũng như các startup về AI.
Chiến lược cũng xác định tầm nhìn đến năm 2030, AI được áp dụng rộng rãi trong kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, thông minh hóa các hoạt động kinh tế xã hội. Cùng với đó, hình thành lực lượng lãnh đạo, người lao động có tư duy và kỹ năng trong việc sử dụng AI để giải quyết vấn đề thực tiễn.
- Hỗ trợ tài chính và chính sách khuyến khích doanh nghiệp:
Nhằm thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, hỗ trợ tài chính và khuyến khích doanh nghiệp. Trong đó, Quỹ Đổi mới sáng tạo Quốc gia của chính phủ đã được thành lập với mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ. Đồng thời, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước thông qua các hoạt động tài trợ, đầu tư vào các dự án nghiên cứu, cung cấp nguồn lực cho các startup và doanh nghiệp.
Ngoài ra, các chương trình Make in Vietnam cũng là một sáng kiến quan trọng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp Việt nghiên cứu, sáng tạo, phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ ngay trong nước. Make in Vietnam khuyến khích các doanh nghiệp làm chủ công nghệ, từ khâu nghiên cứu, thiết kế cho đến sản xuất và thương mại hóa thay vì chỉ tham gia lắp ráp, gia công như trước đây.
Qua đó, tạo ra những thương hiệu công nghệ Việt mang tầm khu vực và toàn cầu, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số trong các ngành kinh tế, xã hội và chính phủ. Đặc biệt giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền công nghiệp công nghệ số.
1.2. Ứng dụng trí tuệ số trong doanh nghiệp Việt Nam
- Trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và chuỗi cung ứng
Nhiều tập đoàn và các công ty sản xuất lớn tại Việt Nam như VinFast, Viettel đã ứng dụng AI trong ngành công nghiệp để tối ưu hóa quy trình sản xuất và dự đoán nhu cầu. Các nhà máy thông minh của VinFast sở hữu hệ thống sản xuất được tích hợp các cảm biến và kết nối mạng để thu thập, phân tích dữ liệu một cách hiệu quả. Qua đó, tạo ra sự kết nối đồng bộ giữa các thiết bị cùng toàn bộ dây chuyền sản xuất giúp doanh nghiệp có thể theo dõi dễ dàng toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khâu thiết kế, sản xuất đến khi sản phẩm đến tay khách hàng.
Trong khi đó, Viettel Post là đơn vị dẫn đầu trong việc nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ logistics thông minh tại Việt Nam, với các giải pháp tiên tiến như hệ thống robot tự động (Robot chia chọn tự động (AGV Sorting), Robot vận chuyển tự hành (AGV Picking), Robot phân loại tự động (ARM)), quản lý kho và vận tải thông minh. Đây là các giải pháp kiểm tra, quản lý, phân loại, vận chuyển hàng hóa tự động với tốc độ xử lý chính xác, nhanh chóng mà không cần sự hỗ trợ của con người.
- Công nghệ số thông minh trong dịch vụ tài chính và ngân hàng
Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Vietcombank và VPBank là những cái tên tiêu biểu sử dụng AI để phân tích dữ liệu khách hàng, phát hiện gian lận tài chính và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Cụ thể, Vietcombank sử dụng trợ lý ảo VCB Digibot để chăm sóc khách hàng. VCB Digibot hỗ trợ phản hồi tức thì 24/7 và gần như chính xác các câu hỏi thường gặp của người dùng như thẻ, lãi suất, cho vay, thông tin ưu đãi, tỷ giá…
VPBank sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực tín dụng cá nhân, giao dịch ngoại tệ và ngân hàng số… thông qua các app VPBank NEO, kiosk bank VPBank NEO Express,… Chatbot hỗ trợ khách hàng giúp giảm thời gian chờ đợi. Bên cạnh đó, VPBank cũng phát triển hệ thống VPDirect ứng dụng trí thông minh nhân tạo giám sát giao dịch, phát hiện các hành vi gian lận và rủi ro để nâng cao bảo mật hệ thống ngân hàng.
- Trí tuệ số trong y tế và chăm sóc sức khỏe
Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bạch Mai… đã sử dụng AI trong y tế để phân tích hình ảnh y khoa và chẩn đoán bệnh. Qua đó, giúp các bác sĩ có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh lý thần kinh thông qua dữ liệu phân tích từ hình ảnh X-quang, MRI và CT scan.
Ngoài ra, hệ thống thông minh cũng được áp dụng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh nhân từ xa, quản lý hồ sơ bệnh án điện tử và tối ưu hóa quy trình chăm sóc bệnh nhân. AI có khả năng dự đoán nhu cầu sử dụng giường bệnh, điều phối lịch khám chữa bệnh và quản lý thuốc men… nhằm giúp bệnh viện hoạt động hiệu quả hơn.
1.3. Các công ty khởi nghiệp AI tại Việt Nam
1.3.1 FPT.AI
FPT.AI là một nền tảng công nghệ của Tập đoàn FPT, tập trung vào các giải pháp trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Nền tảng FPT.AI cung cấp các giải pháp chủ lực gồm:
- FPT AI Chat
- FPT AI Engage – nền tảng xây dựng, quản lý hội thoại tự động và ứng dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên
- FPT AI Enhance – giải pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng tổng đài.
- FPT AI Read – công cụ trích xuất dữ liệu từ văn bản, số hóa tài liệu
- FPT AI eKYC – công cụ định danh khách hàng điện tử, ứng dụng các công nghệ Thị giác máy tính tiên tiến nhất bao gồm Xác định ký tự quang học (OCR), xác minh thực thể sống (Liveness Detection), nhận dạng khuôn mặt (Face Recognition).
Đến nay, FPT.AI đã triển khai hơn 3.125 chatbot, 3.200 Trợ lý ảo, phục vụ hơn 200 triệu tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng mỗi tháng, giúp giảm đến 40% chi phí và tăng đến 67% năng suất cho doanh nghiệp.
1.3.2 Viettel AI
Viettel AI là đơn vị tập trung vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo trong các sản phẩm, dịch vụ công nghệ. Viettel AI tập trung khai thác những lĩnh vực như: công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên Tiếng Việt (Natural Language Processing); dữ liệu lớn (Big Data); công nghệ thị giác máy tính (Computer Vision)…
Một số giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Viettel AI:
- Cyberbot: hỗ trợ chăm sóc khách hàng tự động với Chatbot và Callbot.
- REPUTA: cung cấp giải pháp giám sát và phân tích dữ liệu trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức quản lý hiệu quả hình ảnh thương hiệu và tương tác với khách hàng.
- Voice Note: ứng dụng ghi chú hội thoại thông minh giọng nói tiếng Việt nhằm hỗ trợ các đối tượng khách hàng nhà báo, học sinh/sinh viên, nhà sáng tạo nội dung,…) dễ dàng chuyển đổi các nội dung âm thanh sang văn bản.
1.3.3 Vin AI
VinAI, một công ty con của Vingroup, tập trung vào nghiên cứu và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giải quyết những bài toán thực tế và mang lại những giá trị thiết thực cho cuộc sống. Các sản phẩm của VinAI được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, từ giao thông vận tải, an ninh đến chăm sóc sức khỏe.
Các dòng sản phẩm chính của VinAI:
- Smart Mobility: dòng sản phẩm dành cho ô tô thông minh gồm hệ thống giám sát người lái (DMS), hệ thống quan sát toàn cảnh 360 độ, MirrorSense – công nghệ điều chỉnh gương chiếu hậu tự động
- Smart Data: giải pháp dành cho việc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo.
- Smart Edge: sản phẩm dành cho phân tích dữ liệu hình ảnh và các giải pháp xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
1.3.4 Vbee
Vbee là một công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, chuyên cung cấp các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ và giọng nói tiếng Việt. Với mục tiêu tạo ra công nghệ giọng nói thông minh và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, Vbee AI đã phát triển nhiều sản phẩm và dịch vụ phục vụ doanh nghiệp và người dùng.
Các sản phẩm nổi bật của Vbee AI:
- Vbee AIVoice: sản phẩm chủ lực của Vbee với các dòng sản phẩm về giọng nói nhân tạo tự nhiên như người thật. Đáng kể đến như sản phẩm nhân bản giọng nói (Vbee Voice Cloning), lồng tiếng AI (Vbee AI Dubbing), Vbee AIVoice API,… Vbee Text to Speech hỗ trợ chuyển đổi văn bản thành giọng nói tới hơn 50 ngôn ngữ khác nhau, đa dạng về giới tính, vùng miền. Người dùng có thể tùy chỉnh giọng nói theo nhiều phong cách khác nhau và có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như sản xuất nội dung, e-learning, audiobook, chatbot,…
- Vbee AICall: trợ lý “ảo” thay thế tổng đài viên giúp giải đáp thắc mắc liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, khảo sát để lấy ý kiến khách hàng, thông báo các chương trình khuyến mãi, chăm sóc khách hàng ngày dịp sinh nhật hay những ngày lễ lớn…
1.3.5 Zalo AI
Zalo AI là tập hợp các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được phát triển bởi VNG Corporation, nhằm mang đến những trải nghiệm tiện lợi và thông minh hơn cho người dùng Zalo. Zalo AI sử dụng công nghệ thị giác máy tính, xử lý giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và khai thác dữ liệu để phát triển các sản phẩm như:
- Zalo AI Avatar: tạo ảnh đại diện cá nhân chỉ với một bức ảnh selfie.
- Zalo AI Chat: trò chuyện với chatbot thông minh, hỗ trợ giải đáp các thắc mắc, đặt hàng, mua sắm,…
- Zalo AI Dịch: dịch văn bản và giọng nói đa ngôn ngữ nhanh chóng và chính xác.
- Zalo AI Filter: chỉnh sửa ảnh và video với các bộ lọc AI độc đáo.
- Zalo AI Nhạc: tìm kiếm và đề xuất nhạc theo sở thích cá nhân dựa trên thói quen nghe nhạc của người dùng.
- Zalo AI Game: chơi game mini giải trí ngay trên Zalo với sự tích hợp của AI.
2. Vấn đề đạo đức khi sử dụng và phát triển AI
2.1 Quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu
Để nền tảng AI hoạt động hiệu quả, việc xử lý và phân tích lượng dữ liệu lớn (Big Data) là yếu tố then chốt. Big Data cung cấp nguồn thông tin phong phú, giúp AI học hỏi, dự đoán và đưa ra quyết định chính xác hơn. Tuy nhiên, điều này đặt ra thách thức lớn về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của người dùng. Việc cân bằng giữa khai thác dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư sẽ là yếu tố then chốt trong phát triển AI bền vững.
2.2. Vấn đề quyền riêng tư trong AI
- Thu thập dữ liệu người dùng
Các hệ thống thông minh như chatbot, trợ lý ảo hay các ứng dụng di động thường thu thập dữ liệu người dùng để có thể cung cấp các dịch vụ, sản phẩm hoặc nội dung được cá nhân hóa phù hợp với từng người. Tuy nhiên, việc thu thập dữ liệu quá mức có thể vi phạm quyền riêng tư của người dùng. Bên cạnh đó, dữ liệu bị thu thập mà không có sự đồng ý của người dùng hoặc bị sử dụng sai mục đích, điều này có thể vi phạm luật pháp và đạo đức.
- Rủi ro rò rỉ dữ liệu cá nhân
Việc bảo vệ dữ liệu khỏi truy cập trái phép và các cuộc tấn công mạng là vấn đề rất quan trọng. Trên thực tế, những dữ liệu cá nhân của người dùng sau khi thu thập luôn tồn tại nguy cơ rò rỉ, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho người dùng. Khi thông tin cá nhân của bạn bị lộ, kẻ xấu có thể lợi dụng để thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và tài sản của bạn.
2.3 An toàn và bảo mật
Khi trí thông minh nhân tạo được tích hợp vào nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn hoặc sử dụng sai mục đích sẽ tăng lên là một trong những thách thức khi sử dụng AI hàng đầu hiện nay. Các mô hình AI có thể đưa ra các quyết định sai lầm do dữ liệu đào tạo không đầy đủ, sai lệch hoặc có lỗi trong quá trình thiết kế và huấn luyện thuật toán.
Dù hiện đại, thông minh nhưng AI vẫn có những điểm yếu về bảo mật. Hệ thống có thể dễ bị tấn công mạng thông qua các lỗ hổng trong thuật toán, dẫn tới nguy cơ vi phạm dữ liệu và các mối đe dọa bảo mật. Ví dụ như đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin nhạy cảm, tạo ra các cuộc tấn công lừa đảo tinh vi, khó phát hiện.
2.4 Vấn đề lao động và việc làm
Hệ thống phân tích thông minh có thể tự động hóa một số nhiệm vụ nhất định. Điển hình như tự động lắp ráp, kiểm tra chất lượng và đóng gói, dịch vụ khách hàng… nhanh hơn và chính xác hơn con người. Qua đó, giúp tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, hệ quả của quá trình này là nhiều công việc sẽ biến mất hoặc thay đổi đáng kể, dẫn đến tình trạng người lao động thất nghiệp và yêu cầu về kỹ năng lao động mới.
2.5 Tác động xã hội
- Mối quan hệ giữa người và máy
Sự phát triển của trí tuệ số có thể thay đổi cách tương tác với nhau và tương tác với thế giới xung quanh. AI không chỉ thay thế một số công việc lặp đi lặp lại, mà còn thay đổi cách thức giao tiếp, từ việc sử dụng trợ lý ảo đến các chatbot thông minh. Công nghệ này giúp tăng cường kết nối xã hội, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ giảm thiểu sự tương tác trực tiếp giữa con người.
- Giá trị con người
Sự phát triển của nền tảng tự động hóa đe dọa đến các giá trị cốt lõi của con người như sự sáng tạo và lòng trắc ẩn. AI với khả năng tự động hoá các quyết định và hành động, sẽ thiếu đi sự thấu hiểu, điều mà chỉ con người mới có thể mang lại trong những trường hợp cần sự đồng cảm.
Thêm vào đó, khi tư duy nhân tạo ngày càng có thể tạo ra các sản phẩm sáng tạo như nghệ thuật, âm nhạc hay văn học, con người dần bị mất đi vai trò sáng tạo tự nhiên của mình. Nếu không được điều chỉnh hợp lý, AI có thể làm mất đi các giá trị nhân văn, thay thế cảm xúc và trí tuệ con người bằng các giải pháp máy móc, giảm đi sự phong phú và đa dạng trong xã hội.
2.6 Công bằng và minh bạch
Trí tuệ nhân tạo được thiết kế để phục vụ tất cả mọi người, bất kể xuất thân hay hoàn cảnh. Việc đảm bảo rằng mô hình thông minh không phân biệt đối xử dựa trên bất kỳ yếu tố nào như giới tính, chủng tộc, tôn giáo hay địa lý là điều vô cùng quan trọng. Một AI công bằng sẽ tạo ra một xã hội công bằng hơn, nơi mọi người đều có cơ hội phát triển và thành công.
Bên cạnh yếu tố công bằng, yêu cầu về sự minh bạch trong quyết định của AI đang ngày càng trở nên cấp thiết, nhất là khi trí tuệ số ngày càng được ứng dụng rộng rãi vào nhiều lĩnh vực quan trọng như y tế, tài chính, tư pháp. Khi người dùng hiểu được lý do tại sao hệ thống phân tích thông minh đưa ra quyết định như vậy, họ sẽ tin tưởng hơn vào hệ thống và sẵn sàng sử dụng nó. Đồng thời giúp các nhà phát triển có thể dễ dàng phát hiện và khắc phục các lỗi trong thuật toán.
Để đảm bảo rằng các quyết định của AI là đáng tin cậy, có thể thực hiện một số biện pháp như phát triển mô hình AI giải thích (Explainable AI – XAI), lưu trữ các thông tin liên quan đến quá trình ra quyết định của AI để có thể truy xuất và kiểm tra lại khi cần. Hay thực hiện các cuộc kiểm định thường xuyên để đảm bảo rằng các hệ thống AI hoạt động đúng và không có bất kỳ sai sót nào.
3. Định kiến trong thuật toán
3.1. Nguồn gốc của định kiến trong AI
- Dữ liệu không đa dạng
Nếu dữ liệu đầu vào chủ yếu đến từ một nhóm người cụ thể (ví dụ, chỉ người Mỹ, người da trắng, hoặc người có trình độ học vấn cao), bộ xử lý thông minh sẽ học từ những đặc điểm và mẫu dữ liệu này. Điều này dẫn đến việc AI chỉ hiểu và phục vụ những nhóm người này, bỏ qua nhu cầu và đặc điểm của những nhóm khác, chẳng hạn như phụ nữ, các nhóm dân tộc thiểu số, hay các cộng đồng không được đại diện đầy đủ.
- Thuật toán không công bằng
Nếu thuật toán AI được thiết kế kém, mô hình có thể vô tình tạo ra sự thiên vị, dẫn đến những quyết định bất lợi cho một số nhóm người. Khi dữ liệu dùng để huấn luyện mô hình AI chứa những định kiến xã hội, mô hình sẽ học và tái tạo lại những định kiến đó. Ví dụ, nếu một thuật toán tuyển dụng được huấn luyện trên dữ liệu chủ yếu của nam giới, nó có thể thiên vị ứng viên nam hơn.
3.2. Cách khắc phục định kiến trong AI
- Đảm bảo tính đa dạng của dữ liệu huấn luyện
Đảm bảo tính đa dạng của dữ liệu huấn luyện là một yêu cầu quan trọng trong việc xây dựng các mô hình AI công bằng và hiệu quả. Bằng cách sử dụng dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau sẽ giúp tăng cường tính đại diện, giảm thiểu sai lệch và đảm bảo rằng mô hình hoạt động tốt trên nhiều nhóm đối tượng. Điều này đặc biệt quan trọng trong các ứng dụng như chăm sóc sức khỏe, tuyển dụng hay hệ thống pháp lý.
- Kiểm toán và giám sát AI
Kiểm toán và giám sát AI đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các hệ thống thông minh đưa ra quyết định công bằng và minh bạch. Các tổ chức cần thực hiện kiểm tra định kỳ để phát hiện và khắc phục kịp thời các vấn đề như sai lệch hoặc bất công trong quá trình ra quyết định.
Việc áp dụng các công cụ và phương pháp kiểm toán không chỉ giúp ngăn ngừa các quyết định gây thiệt hại cho cá nhân hoặc nhóm người cụ thể, mà còn đảm bảo hệ thống tuân thủ các quy định đạo đức và pháp lý. Điều này không chỉ củng cố lòng tin từ phía người dùng mà còn góp phần phát triển AI một cách bền vững.
4. Trách nhiệm pháp lý khi sử dụng AI
4.1. Trách nhiệm của doanh nghiệp phát triển AI
- Đảm bảo tính công bằng và minh bạch
Các công ty phát triển AI cần chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo độ chính xác và độ công bằng của các mô hình. Điều này đòi hỏi phải đầu tư vào việc thiết kế, huấn luyện và kiểm tra mô hình một cách cẩn thận, đồng thời giảm thiểu các rủi ro liên quan đến sai lệch và bất công. Ngoài ra, các công ty cần minh bạch về cách thức hoạt động của AI, cung cấp các giải thích rõ ràng cho người dùng và tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức cũng như quy định pháp lý.
- Đảm bảo tuân thủ pháp luật
Doanh nghiệp cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về quyền riêng tư, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Điều này bao gồm việc thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu cá nhân một cách minh bạch, chỉ sử dụng dữ liệu cho các mục đích được phép và áp dụng các biện pháp bảo mật tiên tiến nhằm ngăn chặn rò rỉ hoặc xâm nhập dữ liệu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tuân thủ các luật pháp hiện hành, như GDPR (General Data Protection Regulation – Quy định chung về bảo mật thông tin), PCI DSS (đối với các doanh nghiệp thanh toán), HIPAA (đối với các doanh nghiệp y tế)…
- Giám sát liên tục
Các công ty phải thiết lập các hệ thống giám sát và kiểm toán để có thể đánh giá và đảm bảo tuân thủ đạo đức của các hệ thống AI. Quy trình giám sát nên bao gồm việc đánh giá hiệu suất kỹ thuật của các thuật toán, tính minh bạch và tác động xã hội của trí thông minh nhân tạo nhằm phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn.
4.2. Trách nhiệm của người dùng AI
Người dùng AI cần có ý thức và trách nhiệm khi sử dụng công nghệ thông minh. Đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc đạo đức và pháp luật, tôn trọng quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân và tránh các hành vi vi phạm, như sử dụng dữ liệu người khác mà không được phép hoặc khai thác AI cho mục đích xấu.
4.3. Trách nhiệm của chính phủ và cơ quan quản lý
- Ban hành luật và quy định
Chính phủ cần có các quy định pháp lý rõ ràng về bảo vệ dữ liệu, quyền riêng tư và trách nhiệm pháp lý liên quan việc phát triển và triển khai AI. Các quy định này bao gồm các tiêu chuẩn về thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu, đảm bảo rằng dữ liệu cá nhân được bảo vệ và không bị lạm dụng. Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm pháp lý của các tổ chức hoặc cá nhân trong trường hợp AI gây ra tác động tiêu cực.
Giám sát và kiểm soát AI
Chính phủ cần thực hiện vai trò giám sát chặt chẽ các công ty công nghệ, đảm bảo rằng họ tuân thủ đầy đủ các quy định về quyền riêng tư và bảo mật. Khi xảy ra vi phạm, các công ty phải chịu trách nhiệm pháp lý và đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc, nhằm ngăn chặn hành vi lạm dụng hoặc xử lý dữ liệu sai mục đích. Đồng thời, chính phủ cần thiết lập các cơ quan chuyên trách và các công cụ giám sát hiệu quả để kiểm tra định kỳ, phát hiện sớm các sai phạm và bảo vệ quyền lợi của người dùng.
Đạo đức và trách nhiệm khi sử dụng AI là yếu tố then chốt để đảm bảo rằng công nghệ này phát triển bền vững và có lợi cho xã hội. Bằng cách tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, trách nhiệm, chúng ta có thể khai thác tiềm năng của AI một cách tối ưu, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể xảy ra.