Sự phát triển của công nghệ lồng tiếng AI đang phải đối mặt với vô vàn trở ngại. Vì vậy, hãy cùng tìm hiểu về những thách thức hiện tại và xu hướng tương lai của AI Dubbing qua bài viết dưới đây.
I. Thách thức và khó khăn của công nghệ lồng tiếng AI
1. Khả năng xử lý đa ngôn ngữ
Trên thực tế, mỗi ngôn ngữ lại có một hệ thống ngữ pháp và ngữ điệu riêng. Vì vậy, việc xử lý các ngôn ngữ vùng miền, giọng địa phương hoặc ngôn ngữ ít phổ biến với cách phát âm phức tạp đặt ra nhiều khó khăn. AI không chỉ phải hiểu ngôn ngữ đó, mà còn phải nắm bắt được cách sử dụng từ ngữ trong các ngữ cảnh cụ thể. Đây rõ ràng là một thách thức vô cùng lớn cho cả những người lập trình và huấn luyện công cụ lồng tiếng AI.
Bên cạnh đó, các ngôn ngữ này thường có rất ít dữ liệu huấn luyện. Khi dữ liệu hạn chế, AI khó có thể học được các đặc trưng về ngữ pháp và cách phát âm đặc thù. Hệ quả của vấn đề này là các giọng nói lồng tiếng bằng AI sẽ không được tự nhiên và chính xác như mong đợi.
2. Chất lượng giọng nói và độ tự nhiên
Giọng đọc AI thường thiếu cảm xúc, độ tự nhiên và độ chân thực do sự phức tạp của giọng nói con người như: âm điệu, ngữ điệu, sắc thái,… Điều này là do mô hình huấn luyện AI chỉ có dữ liệu đơn thuần về văn bản và âm thanh, mà thiếu đi yếu tố cảm xúc theo ngữ cảnh.
Hơn thế, mô hình huấn luyện chỉ giới hạn trên một số mẫu giọng cụ thể dẫn đến các giọng nói chưa có sự đa dạng. Các mẫu giọng này thường không có sự phong phú về giới tính, độ tuổi, văn hóa và phong cách. Vì vậy, rất dễ xảy ra trường hợp các bản lồng tiếng có giọng điệu na ná và tương tự nhau.
Do vậy, việc sử dụng lặp đi lặp lại một giọng nói quá nhiều lần khi lồng tiếng vào các video có thể dẫn đến cảm giác đơn điệu. Việc không có sự thay đổi linh hoạt về âm sắc và biểu cảm, nên nội dung rất kém hấp dẫn và không thể duy trì được sự hứng thú của người nghe.
3. Xử lý ngữ cảnh phức tạp
Các cuộc hội thoại đa nhân vật đòi hỏi khả năng xử lý âm thanh tinh vi và tái tạo giọng nói chính xác. Tuy nhiên, nguyên lý hoạt động của AI Dubbing vẫn chưa thể hiểu hoàn toàn và tái hiện chuẩn xác từng lời thoại trong ngữ cảnh.
Ví dụ, khi nhiều nhân vật trong phim cùng nói chuyện một lúc, phần mềm lồng tiếng AI sẽ gặp khó khăn để phân biệt giọng nói. Lúc này, các câu thoại lồng tiếng sẽ bị chồng chéo lên nhau. Dẫn đến việc truyền tải nội dung sẽ không được rõ ràng, chưa kể là chất lượng giọng nói còn mất đi sự tự nhiên và tính chân thực. Kết quả là, người xem sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu. Họ mất đi sự kết nối cảm xúc với câu chuyện và đọng lại chỉ còn trải nghiệm tiêu cực khi xem phim.
4. Vấn đề bảo mật và bản quyền
Trong quá trình phát triển và ứng dụng lồng tiếng AI, một lượng lớn dữ liệu giọng nói được thu thập và xử lý. Điều này làm dấy lên lo ngại về vấn đề bản quyền, đặc biệt là bản quyền về giọng nói và video. Cụ thể, các đơn vị cung cấp dịch vụ lồng tiếng phải chứng minh được giọng nói của họ là giọng nói bản quyền, bằng những giấy tờ có giá trị pháp lý rõ ràng. Điều này nhằm ngăn chặn tối đa khả năng bị khởi kiện, bởi chính chủ nhân của những giọng nói đó.
Đồng thời, khi một giọng nói đã được số hóa và sử dụng rộng rãi trong công nghệ lồng tiếng, việc sao chép và tái sử dụng giọng nói đó vô cùng dễ dàng. Vì vậy, nếu không có biện pháp bảo vệ bản quyền thích hợp, giọng nói có thể bị sử dụng trái phép mà không có sự đồng ý của đơn vị sở hữu.
Ngoài ra, những người sử dụng giải pháp lồng tiếng AI cũng cần lưu ý về vấn đề bản quyền video. Trước khi lồng tiếng, người dùng cần đảm bảo video của họ là video chính chủ, hoàn toàn không phải video đánh cắp từ những đơn vị khác. Nếu không, sản phẩm cuối cùng rất dễ bị khởi kiện, bị bắt gỡ bỏ và thậm chí là bị phạt tiền. Uy tín của các đơn vị lồng tiếng AI cũng sẽ vì thế mà bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
5. Vấn đề việc làm
Công nghệ lồng tiếng bằng AI hoàn toàn có tiềm năng thay thế vai trò của con người trong lĩnh vực truyền thông và giải trí, đặc biệt là vai trò của các diễn viên lồng tiếng. Nhiều người lao động sẽ phải đối mặt với nguy cơ đào thải và thay thế bởi công nghệ. Vì vậy, họ bắt buộc phải chuyển đổi và nâng cao khả năng kỹ thuật để thích nghi với công nghệ và phong cách làm việc mới.
6. Vấn đề đạo đức
AI cũng đặt ra nhiều thách thức về đạo đức, khi nó có thể được sử dụng để tạo ra các nội dung sai lệch, xuyên tạc hoặc gây hiểu lầm. Đặc biệt khi kết hợp cùng công nghệ Deepfake video, dịch vụ lồng tiếng AI có thể tạo các nội dung giả mạo vô cùng thuyết phục.
Ví dụ, có rất nhiều người nổi tiếng đã bị giả mạo giọng nói để đưa ra những phát ngôn gây xôn xao và thao túng dư luận. Vì vậy, việc đảm bảo chất lượng và tính chính xác của nội dung, đặc biệt là các nội dung liên quan đến văn hóa và lịch sử, là một thách thức vô cùng lớn.
II. Xu hướng tương lai của công nghệ lồng tiếng AI
1. Cải thiện độ chính xác và tự nhiên của giọng nói
Trong tương lai, các thuật toán AI sẽ được cải tiến để nâng cao chất lượng giọng nói, làm cho chúng trở nên chân thực và tự nhiên hơn. Quy trình cải tiến sẽ tập trung vào nâng cấp mô hình huấn luyện, hoàn thiện công cụ chuyển văn bản thành giọng nói để xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và bổ sung trạng thái cảm xúc. Những cải tiến này không chỉ giúp AI xử lý chính xác các cuộc đối thoại phức tạp mà còn tạo ra giọng nói có cảm xúc giống như con người. Từ đó, nâng cao trải nghiệm cho cả người dùng và người nghe.
2. Đáp ứng nhu cầu về nội dung đa ngôn ngữ
Công nghệ trí tuệ nhân tạo ngày một phát triển sẽ tạo điều kiện cho việc dịch và tạo audio lồng tiếng của hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới. Sự kết hợp thông minh giữa Machine Learning và NLP cho phép AI nắm bắt ngữ nghĩa và ngữ cảnh của từ ngữ, từ đó đưa ra các bản dịch chính xác hơn.
Với những ngôn ngữ ít phổ biến và có phát âm phức tạp, việc mở rộng dữ liệu huấn luyện từ sách, báo và cả người dân địa phương sẽ giúp AI hiểu được đặc điểm ngữ pháp và các từ vựng đặc thù của khu vực đó. Điều này sẽ giúp mở rộng phạm vi tiếp cận của nội dung tới nhiều đối tượng hơn.
3. Tự động và tối ưu hoá quy trình sản xuất nội dung
Tương lai của công nghệ lồng tiếng bằng AI còn nằm ở khả năng tự động và tối ưu hóa quy trình sản xuất nội dung. Từ việc tạo kịch bản và file phụ đề lồng tiếng đến chỉnh sửa video, tất cả sẽ trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Đầu tiên, các mô hình ngôn ngữ AI sẽ dựa vào dữ liệu lịch sử và phản hồi từ người dùng để tạo ra các kịch bản hấp dẫn với người xem. Các kịch bản này sau đó sẽ được sử dụng như một tiêu chuẩn đối chiếu, để hệ thống có thể phân tích video và tự động cắt ghép các đoạn nội dung cho phù hợp. Song song với đó, phần mềm cũng sẽ tiến hành quy trình chuyển đổi những kịch bản hoàn chỉnh thành các giọng nói tự nhiên.
Cuối cùng, AI sẽ tự động đồng bộ các giọng nói đó với hình ảnh trong video, để đảm bảo sự mượt mà và tự nhiên trong các sản phẩm cuối cùng. Quy trình này không chỉ giúp cắt giảm chi phí sản xuất mà còn đẩy nhanh tốc độ đưa sản phẩm ra thị trường, giúp đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người xem.
4. Tích hợp với công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR)
Sự kết hợp giữa lồng tiếng AI với công nghệ VR và AR là một xu hướng đáng chú ý, hứa hẹn đem lại sự bùng nổ cho trải nghiệm người dùng. Với VR, người dùng có thể trải nghiệm một thế giới ảo sống động, nơi âm thanh và hình ảnh được đồng bộ hoàn hảo, tạo cảm giác như đang trải nghiệm trực tiếp. Với AR, những trải nghiệm này càng thêm chân thực với sự kết hợp giữa thế giới ảo và thực. Người dùng sẽ được tương tác trực tiếp với nội dung nhờ vào các cảm biến.
Ứng dụng rõ ràng nhất của sự tích hợp này là ở các rạp phim. Tại đây, bạn sẽ được bước chân đúng nghĩa vào một khung cảnh kỳ ảo. Nơi mà, công cụ lồng tiếng AI thực hiện chức năng điều chỉnh giọng nói nhân vật, để bạn có thể hiểu nội dung. Chưa hết, bạn còn có thể tương tác và trải nghiệm những hành động như chính nhân vật trong phim. Sự kết hợp này chắc chắn sẽ đem lại những trải nghiệm vô cùng sống động cho người xem.
Dịch vụ lồng tiếng AI đang đối mặt với rất nhiều thách thức, từ việc xử lý đa ngôn ngữ, đảm bảo chất lượng giọng nói, cho đến các vấn đề về đạo đức và bảo mật. Tuy nhiên, những xu hướng phát triển trong tương lai hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cơ hội mới, giúp lồng tiếng tự động trở thành công cụ mạnh mẽ và hiệu quả trong việc sáng tạo nội dung.