Hồ Minh Đức, đồng sáng lập và điều hành Vbee: Khát vọng về Amazon phiên bản Việt

Với Vbee: Khát vọng về Amazon phiên bản Việt trở thành công ty số 1 về giải pháp tiếng nói tại thị trường Việt Nam, Hồ Minh Đức sẽ tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp vì khách hàng, sáng tạo và tiết kiệm.

Vbee: Khát vọng về Amazon phiên bản Việt

10 năm thai nghén

Ứng dụng ngôn ngữ Vbee là một trong những công nghệ lõi xây dựng giọng nói nhân tạo tiếng Việt có cảm xúc đầu tiên tại Việt Nam. Dự án vừa nhận mức tài trợ tối đa 10 tỷ đồng của VinTech Fund (Vingroup) trong đợt tài trợ đầu tiên trị giá 86 tỷ đồng cho 12 dự án nổi bật về khoa học, công nghệ.

Với sự hỗ trợ từ VinTech Fund, Hồ Minh Đức đã tìm thấy “mạnh thường quân” giúp Vbee có bước chuyển mình nhanh chóng để trở thành ứng dụng tổng hợp tiếng nói tiếng Việt được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.

Theo đó, Vbee không chỉ được hỗ trợ về tài chính, mà còn có cơ hội tiếp cận hệ sinh thái đa ngành và mạng lưới đối tác vô cùng lớn của Vingroup. Đặc biệt, ứng dụng này có thể trở thành một phần của hệ thống chăm sóc khách hàng Vinhomes, VinCommerce hay “trợ lý ảo” của điện thoại Vsmart, ô tô VinFast… Đó là những sản phẩm được xây dựng từ trí óc người Việt, do người Việt tiên phong sản xuất để phục vụ người Việt.

Sau khi nhận được tài trợ, Vbee sẽ nhanh chóng hoàn thiện giải pháp lõi và sản phẩm về tổng đài thông minh, tiếp tục phát triển các sản phẩm khác có ứng dụng công nghệ tổng hợp tiếng nói tại Việt Nam.

Ngoài ra, Vbee còn được ứng dụng rộng rãi với nhiều dịch vụ tiềm năng khác trong tương lai có ứng dụng tổng hợp tiếng nói như thuyết minh phim tự động, MC ảo, số hoá bài giảng… Tất cả đều thuần Việt (thậm chí Việt hóa ngôn ngữ từng vùng miền), để phục vụ người Việt trước tiên.

Vbee mới chỉ lộ diện trên thị trường hơn 1 năm, nhưng đã trải qua 10 năm thai nghén bởi chị Nguyễn Thị Thu Trang và một số cộng sự thân thiết, có nghề tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Trong đó, Đức là người đồng sáng lập và điều hành Vbee. 

Theo Đức, điều quan trọng nhất mà Vbee làm được trong suốt 10 năm qua là hoàn thiện nền tảng công nghệ lõi về công nghệ chuyển văn bản Việt thành giọng nói có cảm xúc. Ngoài việc đọc đúng và đọc có cảm xúc, Vbee có thể học và đọc được bất kỳ giọng nói nào của một người sau 4 giờ thu âm với độ chính xác rất cao.

Hưởng lợi từ cách mạng chuyển đổi số

Vbee đã bước đầu cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và người dùng cuối thông qua các giải pháp đóng gói như tổng đài nhân tạo, giải pháp về báo nói, báo hình, sách nói. Những giải pháp này cho phép thay đổi hình thức chăm sóc khách hàng và sản xuất nội dung theo hướng hoàn toàn tự động.

Trên thế giới, công nghệ này đã hoàn thiện với rất nhiều ứng dụng hữu ích và đang trong giai đoạn phát triển rất mạnh mẽ. Tại Việt Nam, công nghệ xây dựng giọng nói nhân tạo cũng sẽ phát triển nhanh nhờ công cuộc chuyển đổi số đang được đẩy mạnh, smartphone được sử dụng rộng rãi và băng thông rộng 5G sẽ bùng nổ. Hiện tại, có một số đơn vị ở trong nước cũng nghiên cứu về công nghệ này, song vẫn dừng lại trong phòng thí nghiệm.

“Chúng tôi tự tin là đơn vị đầu tiên trên thị trường Việt Nam, không chỉ về nghiên cứu công nghệ, mà cả việc đưa ra những giải pháp đóng gói như giải pháp tổng đài nhân tạo aicallcenter.vn, giải pháp cloud vbee.vn…”, Đức nói.

Sở hữu đội ngũ nghiên cứu say mê và chuyên sâu, bao gồm các nhà nghiên cứu, các tiến sĩ và sinh viên có chuyên môn về ngôn ngữ tiếng Việt, với hơn 10 năm tập trung nghiên cứu nền tảng này, Vbee Text to Speech đã cải tiến, đưa ra giải pháp tối ưu cho ngôn ngữ tiếng Việt mà các giải pháp từ nước ngoài chưa làm được. Tuy nhiên, khi thương mại hóa sản phẩm – kết quả nghiên cứu khoa học, nhóm cũng đã tìm hiểu kỹ thị trường nhằm nắm bắt nhu cầu thực sự của khách hàng và cân đối về tài chính, vì công nghệ này đỏi hỏi nguồn vốn lớn để phát triển.

Với một start-up thì việc gọi vốn là rất quan trọng. Điều này không chỉ thể hiện nhu cầu tài chính, mà qua đó, Đức và các cộng sự có thể tìm được các quỹ đầu tư, dựa trên đánh giá của họ để biết được Vbee đi đúng hướng hay không. Hơn nữa, các quỹ cũng giúp Vbee có khách hàng và kinh nghiệm để rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Trong giai đoạn đầu, Vbee đã được một số nhà đầu tư thiên thần rót vốn và hiện nay, Đức cùng đội ngũ Vbee vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các nhà đầu tư mới.

Start-up luôn gắn với tinh thần làm mới và khai phá chính mình, khởi phát những thay đổi theo hướng sáng tạo. Đức và các cộng sự đã khám phá điểm mạnh của mình. Điểm mạnh đó không chỉ là công nghệ, mà quan trọng hơn là việc áp dụng công nghệ đó để đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Công nghệ sáng tạo tiên phong là điểm mạnh, nhưng nó khớp với yêu cầu cụ thể của khách hàng thế nào còn quan trọng hơn nhiều. Với chiều sâu nghiên cứu, chúng tôi đã hiểu được điều đó”, Đức nói. Nhà sáng lập và điều hành Vbee tự tin, điểm mạnh kết nối với đối tác, nhà cung cấp để xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ giọng nói, sẽ là chìa khóa để Vbee ghi điểm cao trên thị trường.

Đức chia sẻ, anh đã và đang học theo nhà sáng lập và CEO của Amazon – Jeff Bezos để đưa Vbee trở thành công ty số 1 về giải pháp tiếng nói tại thị trường Việt Nam. Trong đó, góc độ xây dựng văn hóa doanh nghiệp vì khách hàng, sáng tạo và tiết kiệm của Amazon là điều Đức ấn tượng nhất.

Nguồn: Báo đầu tư

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Try for Free