Hành trình khẳng định vị thế là công ty hàng đầu trong lĩnh vực AI của OpenAI được đánh dấu bằng những cột mốc quan trọng. Vậy lịch sử hình thành của OpenAI diễn ra như thế nào và phát triển ra sao? Hãy cùng Vbee tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé.
1. Lịch sử hình thành của OpenAI
1.1 Nền tảng và ý tưởng ban đầu
OpenAI được thành lập vào tháng 12/2015 bởi một nhóm các nhà nghiên cứu và doanh nhân công nghệ với mục đích thúc đẩy trí tuệ nhân tạo (AI) theo hướng an toàn và có lợi cho toàn nhân loại. Tổ chức này được đồng sáng lập bởi Elon Musk, Sam Altman, Greg Brockman, Ilya Sutskever, John Schulman và Wojciech Zaremba.

Ý tưởng đằng sau việc hình thành OpenAI bắt nguồn từ mối quan tâm về những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI. Các nhà sáng lập OpenAI tin rằng AI có tiềm năng mang lại lợi ích to lớn cho nhân loại, nhưng đồng thời cũng nhận ra trách nhiệm đảm bảo AI được phát triển một cách có trách nhiệm.
Với tầm nhìn này, OpenAI được thành lập như một tổ chức phi lợi nhuận chuyên thực hiện các nghiên cứu tiên tiến về AI và giúp mọi người đều có thể tiếp cận được những lợi ích của công nghệ này. Sứ mệnh của công ty là đảm bảo Trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI – Artificial General Intelligence) mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại.
1.2 Nguyên tắc hoạt động
OpenAI hoạt động theo nguyên tắc hợp tác và nhấn mạnh việc chia sẻ công khai nghiên cứu của mình với cộng đồng để thúc đẩy tiến bộ chung trong công nghệ AI. Nguyên tắc này đi kèm với cam kết đảm bảo AI hoặc AGI không bị lạm dụng và không gây hại cho nhân loại.
2. Các cột mốc phát triển quan trọng của Open AI
2015: Thành lập
OpenAI được thành lập vào tháng 12 năm 2015 bởi Sam Altman, Greg Brockman, Reid Hoffman, Jessica Livingston, Peter Thiel, Elon Musk, Amazon Web Services (AWS), Infosys và YC Research. Thông báo quan trọng của các nhà đồng sáng lập đi kèm với cam kết 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư.
Ban đầu tổ chức được thành lập với tư cách là tổ chức phi lợi nhuận và mục tiêu là “phát triển Trí thông minh Kỹ thuật số (Digital Intelligence – DQ) nhằm mang lại lợi ích cho toàn thể nhân loại”.
2016: Ra mắt các sản phẩm đầu tiên
– Vào tháng 4/2016, OpenAI đã phát hành phiên bản public beta của OpenAI Gym. Đây là bộ công cụ và nền tảng mã nguồn mở được thiết kế để phát triển và so sánh các thuật toán học tăng cường (Reinforcement Learning).
– Vào tháng 12 cùng năm, tổ chức đã cho ra mắt Universe. Đây là nền tảng phần mềm được thiết kế để đánh giá khả năng và đào tạo Trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) bằng cách sử dụng nhiều trò chơi, trang web và các ứng dụng đa dạng trên toàn cầu.
2017: Đầu tư vào hạ tầng và tính toán đám mây
OpenAI đã chi 7,9 triệu USD, tức 25% chi phí hoạt động của tổ chức để chi trả cho dịch vụ điện toán đám mây. Để so sánh, tổng chi phí của DeepMind vào năm 2017 lên tới 442 triệu USD trong năm này. Mặc dù nguồn lực hạn chế, xong OpenAI vẫn đạt được những thành tựu đáng kể, chứng tỏ khả năng sáng tạo và hiệu quả của đội ngũ.
2018: GPT-1 và bước đột phá trong nghiên cứu
– Tháng 6/2018: Ra mắt mô hình đầu tiên của tổ chức, Generative Pre-Trained Transformer 1 (GPT-1) với 117 triệu tham số có khả năng tạo ra nhiều loại văn bản khác nhau.
– Tháng 6/2018: Cùng thời điểm đó, công ty đã thuê 128.000 CPU và 256 GPU từ Google trong nhiều tuần để đào tạo bot Dota 2 OpenAI Five.
– Dactyl: Ra mắt Dactyl, một công cụ sử dụng học máy để đào tạo bàn tay robot thao tác các vật thể. Dactyl học hoàn toàn thông qua mô phỏng bằng thuật toán học tăng cường và mã đào tạo, có theo dõi chuyển động và camera RGB để thao tác các vật thể tùy ý.
– Một sự kiện lớn khác xảy ra đối với OpenAI vào năm 2018 là việc Elon Musk rời khỏi hội đồng quản trị với lý do xung đột lợi ích liên quan đến những phát triển về trí tuệ nhân tạo đang được thực hiện trong dự án xe tự lái của Tesla. Tuy nhiên, ông vẫn giữ vai trò nhà tài trợ.
2019: Ra mắt GPT-2
– Tháng 2/2019: OpenAI công bố GPT-2, phiên bản kế thừa của mô hình GPT ban đầu. Mô hình này được biết đến với khả năng tạo ra văn bản mạch lạc và phù hợp với ngữ cảnh. Tuy nhiên, do những lo ngại về khả năng sử dụng sai mục đích, đặc biệt là liên quan đến việc viết tin tức giả nên OpenAI không phát hành mô hình đầy đủ.
– Tháng 3/2019: Sam Altman đã từ chức chủ tịch Y Combinator để tập trung vào OpenAI. Đến tháng 5/2019, Altman trở thành CEO của OpenAI.
– Cũng trong năm này, OpenAI đã chuyển đổi cấu trúc tổ chức từ mô hình phi lợi nhuận sang mô hình “có lợi nhuận giới hạn”, với lợi nhuận bị giới hạn ở mức 100 lần bất kỳ khoản đầu tư nào vào tổ chức.

– Tháng 7/2019: Microsoft công bố khoản đầu tư 1 tỷ USD cho OpenAI có trụ sở tại San Francisco và cả hai hình thành quan hệ đối tác nhiều năm để phát triển công nghệ siêu máy tính Azure AI và AGI trên dịch vụ điện toán đám mây Azure của Microsoft.
2020: GPT-3 và bước ngoặt lớn
– Tháng 5/2020: OpenAI đã công bố mô hình ngôn ngữ GPT-3 được mong đợi. Đây là mô hình ngôn ngữ mạnh mẽ có khả năng hiểu và tạo ra văn bản giống con người trên nhiều ứng dụng khác nhau.
– Tháng 6/2020: OpenAI phát hành API GPT-3, được thiết kế để cung cấp quyền truy cập vào các mô hình AI mới nhất của công ty. Mục đích là cho phép các nhà phát triển khai thác các khả năng của mô hình cho nhiều tác vụ AI bằng tiếng Anh.
2021: DALL·E và Codex
– DALL·E: Dựa trên nền tảng của GPT-3, OpenAI đã phát hành DALL-E, một mô hình trí tuệ nhân tạo được thiết kế để tạo hình ảnh từ các mô tả văn bản, vào tháng 1/2021.
– Codex: Cùng năm đó, công ty đã phát hành Codex, “hậu duệ của GPT-3”, được phát triển và đào tạo chuyên biệt bằng cách sử dụng mã từ 54 triệu kho lưu trữ GitHub. Đến tháng 8/2021, phiên bản Private Beta của API đã được phát hành.
– Microsoft đã mở rộng hỗ trợ cho OpenAI với khoản đầu tư bổ sung 2 tỷ USD. Theo Investing in the Web, vòng tài trợ mới này đã giúp đẩy nhanh quá trình phát triển các mô hình AI tiên tiến và tích hợp thêm các công nghệ của OpenAI vào bộ sản phẩm của Microsoft.

2022: ChatGPT và bước tiến của AI
– Tháng 9/2022: Công ty đã giới thiệu Whisper, một hệ thống nhận dạng giọng nói tự động (ASR). Ứng dụng Whisper mang lại nhiều lợi ích cho người dùng, từ dịch vụ phiên âm đến trợ lý giọng nói,…. Đồng thời tăng cường khả năng truy cập cho những người khiếm thính và là công nghệ cơ bản cho các ứng dụng và dịch vụ điều khiển bằng giọng nói.
– Tháng 12/2022: OpenAI đã thu hút sự chú ý rộng rãi của giới truyền thông khi phát hành bản thử nghiệm miễn phí của ChatGPT. Theo công ty, bản xem trước ChatGPT này đã thu hút hơn 1 triệu lượt đăng ký chỉ trong vòng 5 ngày.

– OpenAI báo cáo khoản lỗ khổng lồ 540 triệu USD vào năm 2022, với doanh thu chỉ đạt 28 triệu USD. Lý do là chi phí phát triển và vận hành ChatGPT đắt đỏ.
2023: GPT-4 và sự bùng nổ của AI
– Tháng 1/2023: Microsoft đã đưa ra thông báo quan trọng về khoản đầu tư mới trị giá 10 tỷ USD vào OpenAI, dự kiến sẽ được phân bổ trong nhiều năm. Nhiều suy đoán cho rằng Microsoft có thể nhận được 75% lợi nhuận của OpenAI cho đến khi thu hồi được khoản đầu tư và 49% cổ phần sở hữu trong công ty.
– Tháng 3/2023 chứng kiến sự thay đổi về mặt lãnh đạo của OpenAI khi Reid Hoffman từ chức khỏi vị trí trong hội đồng quản trị. Cùng thời điểm đó, công ty đã cho ra mắt GPT-4, phiên bản mới nhất của mô hình ngôn ngữ. GPT-4 tiên tiến hơn, có khả năng hiểu và tạo ra các mô hình văn bản với độ chính xác và biến thể cao hơn. Đồng thời có thể xử lý các đầu vào dài hơn và phức tạp hơn và cung cấp đầu ra có chất lượng cao hơn.
– Tháng 11/2023: OpenAI đã tổ chức hội nghị các nhà phát triển lần đầu tiên tại San Francisco và phát trực tiếp các bài phát biểu chính. Công ty đã công bố các sản phẩm như: GPT-4 Turbo, người dùng tự xây dựng chatbot AI, GPT Store, API trợ lý mới, API DALL-E 3, API chuyển văn bản thành giọng nói mới, chương trình Bảo vệ bản quyền. Các bản cập nhật bổ sung bao gồm chương trình dành cho các công ty xây dựng các mô hình tùy chỉnh với sự trợ giúp của OpenAI, ra mắt Whisper large v3 (mô hình nhận dạng giọng nói mã nguồn mở).
– Tháng 11/2023: Công ty đã công bố quá trình chuyển giao lãnh đạo. Theo đó, Sam Altman rời khỏi vị trí CEO và rời khỏi hội đồng quản trị. Mira Murati, giám đốc công nghệ của công ty, sẽ giữ chức CEO tạm thời.
2024: Những thách thức mới
– OpenAI chính thức công bố kế hoạch chuyển đổi sang mô hình công ty vì lợi nhuận. Đây là một bước ngoặt lớn, đánh dấu sự thay đổi từ định hướng phi lợi nhuận ban đầu.
– Sau khi bị cách chức vào tháng 11/2023, Sam Altman đã trở lại vị trí Giám đốc điều hành đầu năm 2024. Sự kiện “The Blip” này được nhân viên OpenAI nhận định là “cơn sóng gió tạm thời” và không để lại ảnh hưởng lâu dài đến hướng đi của tổ chức.

– Tại sự kiện WWDC tháng 6, Apple gây bất ngờ khi công bố tích hợp ChatGPT vào trợ lý ảo Siri, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc đưa AI đến gần hơn với người dùng. Sự hợp tác này mở ra cơ hội để OpenAI tiếp cận hàng triệu người dùng iPhone trên toàn thế giới, củng cố vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
– Công ty ty xAI của Elon Musk đã đạt những bước tiến vượt bậc khi huy động thành công 5 tỷ USD và được định giá 50 tỷ USD, trực tiếp trở thành đối thủ cạnh tranh của OpenAI.
Lịch sử hình thành và phát triển của OpenAI không chỉ là câu chuyện về những đột phá công nghệ, mà còn là câu chuyện về việc định hình tương lai của AI theo hướng đạo đức và trách nhiệm. Khi AI được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, vai trò của các tổ chức như OpenAI trong việc định hướng sự phát triển của AI trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.