Công nghệ nhân bản giọng nói AI: Những thách thức về đạo đức và pháp lý

Công nghệ Voice Cloning ngày càng phát triển đã đặt ra nhiều vấn đề pháp lý và tác động đến đạo đức xã hội. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết vấn đề đạo đức và bản quyền của nhân bản giọng nói này qua bài viết dưới đây!

1. Vấn đề đạo đức và xã hội

1.1. Vấn đề đạo đức

1.1.1. Lừa đảo và giả mạo giọng nói với Deepfake

Deepfake tận dụng các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo và máy học mạnh mẽ để thao túng hoặc tạo nội dung hình ảnh và âm thanh (giọng nói), được sử dụng để thay thế chân dung của người này bằng chân dung của người khác với mục đích lừa đảo. Những bản sao này gần như không thể phân biệt được với bản gốc. 

Voice Cloning dẫn đến lừa đảo và giả mạo giọng nói với Deepfake
Voice Cloning làm dấy lên nguy cơ về lừa đảo và giả mạo giọng nói (Deepfake) (Nguồn: Veritone.voice)

Chính vì điều này mà vấn đề đáng lo ngại nhất của công nghệ nhân bản giọng nói (Voice Cloning) là khả năng thực hiện các vụ lừa đảo với âm mưu gian lận bằng Deepfake. Sự chân thực đáng kinh ngạc của các bản sao giọng nói tạo cơ hội cho những kẻ xấu, như tin tặc, dễ dàng mạo danh người khác để lừa đảo, thao túng, gây ra thiệt hại cả về tài chính lẫn tinh thần cho các nạn nhân.

1.1.2. Ảnh hưởng tâm lý

Sự tràn lan của tin giả và âm thanh giả mạo đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với xã hội. Việc khó phân biệt thông tin đúng sai khiến dư luận hoang mang, chia rẽ và làm suy yếu niềm tin vào các tổ chức, cá nhân có uy tín. Hơn nữa, khi tin giả được lan truyền rộng rãi, chúng có thể kích động bạo lực, gây ra những hậu quả xã hội đáng tiếc. Bên cạnh đó, việc bị sao chép giọng nói trái phép không chỉ xâm phạm quyền riêng tư mà còn gây ra những tổn thất về danh dự và uy tín cho cá nhân. 

Voice Cloning ảnh hưởng đến tâm lý công chúng
Voice Cloning ảnh hưởng đến tâm lý của công chúng.

1.2. Vấn đề xã hội

1.2.1. Gia tăng tội phạm công nghệ cao

Công nghệ sao chép giọng nói đã tạo điều kiện cho những tội phạm công nghệ cao thực hiện các vụ lừa đảo qua nhiều kênh. Tin tặc có thể sử dụng giọng nói nhân bản để thực hiện các cuộc gọi giả danh để lừa các cá nhân hoặc doanh nghiệp. Điều này có thể gây ra các thiệt hại về tài chính nghiêm trọng. Các tình huống tống tiền, lừa đảo tài chính ngày càng trở nên tinh vi hơn nhờ sự trợ giúp của công nghệ này.

Voice Cloning làm gia tăng tội phạm công nghệ cao
Công nghệ Voice Cloning tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao thực hiện lừa đảo qua điện thoại.

1.2.2. Tạo ra thông tin sai lệch

Nhân bản giọng nói còn là mối đe dọa đối với việc lan truyền thông tin sai lệch. Giọng nói giả có thể được sử dụng nhằm tạo ra nội dung giả mạo để điều hướng dư luận, từ đó gây ra tình trạng hoang mang trên diện rộng.

Voice Cloning tạo ra thông tin sai lệch
Nhân bản giọng nói tiềm tàng nguy cơ về việc lan truyền thông tin sai lệch.

1.2.3. Vấn đề việc làm và thu nhập

Việc sử dụng phần mềm sao chép giọng nói trong các ngành công nghiệp như điện ảnh, truyền thông, và quảng cáo có thể làm giảm nhu cầu đối với các nghệ sĩ lồng tiếng (voice talent). Điều này sẽ dẫn đến nhiều lo ngại về câu chuyện việc làm và thu nhập. Thậm chí, vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân trong ngành công nghiệp giải trí, mà còn tạo ra sự không công bằng trong cạnh tranh khi công nghệ có thể thay thế con người.

2. Vấn đề bản quyền

2.1. Quyền sở hữu trí tuệ về giọng nói và tác giả

Nhân bản giọng nói đặt ra nhiều thách thức trong việc xác định quyền sở hữu trí tuệ. Thứ nhất, khi một giọng nói được sao chép, sẽ rất khó để xác định ai có quyền sở hữu giọng nói đó. Điều này càng trở nên phức tạp nếu giọng nói được tạo ra bằng cách kết hợp nhiều yếu tố khác nhau, như giọng của nhiều người hoặc hiệu ứng âm thanh đặc biệt. Nếu không có sự cho phép, việc sử dụng giọng nói để tạo ra các sản phẩm thương mại có thể vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ về giọng nói và tác giả
Tồn tại những rủi ro về quyền sở hữu trí tuệ về giọng nói và tác giả khi sử dụng giọng nói nhân bản.

Thứ hai, khi giọng nói của một cá nhân bị sao chép mà không có sự đồng ý, họ có thể sẽ bị mất quyền kiểm soát đối với tài sản giọng nói cá nhân. Thậm chí, điều này còn ảnh hưởng đến quyền riêng tư và quyền tự quyết sử dụng giọng nói của chính mình. Người bị sao chép có thể phải đối mặt với rủi ro khi giọng nói của họ bị khai thác trong các hoạt động thương mại hoặc phi pháp mà không được thông báo.

Thứ ba, việc sử dụng công nghệ mô phỏng giọng nói để sao chép giọng của các nghệ sĩ hoặc nhân vật của công chúng mà không có sự cho phép cũng là một dạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bởi lẽ, giọng nói là một phần quan trọng trong thương hiệu cá nhân của các nghệ sĩ, thế nên việc sử dụng trái phép không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng đến danh tiếng của họ.

2.2. Quyền riêng tư và bảo mật

Khi giọng nói bị sao chép mà không có sự đồng ý, cá nhân không chỉ mất quyền kiểm soát giọng nói của mình mà còn đối mặt với nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân. Nếu các mẫu giọng không được bảo vệ một cách an toàn, chúng rất dễ bị đánh cắp và sử dụng cho mục đích bất hợp pháp, dẫn đến những rủi ro bảo mật nghiêm trọng.

Vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật
Quyền riêng tư và bảo mật của giọng nói cá nhân bị ảnh hưởng, khi áp dụng công nghệ tái tạo giọng nói.

3. Chính sách pháp lý

3.1. Thiếu khung pháp lý đầy đủ

Hiện tại, các quy định pháp lý về việc bảo vệ giọng nói vẫn chưa được hoàn thiện. Giọng nói chưa được công nhận là tài sản trí tuệ, dẫn đến một vùng xám pháp lý trong việc bảo vệ quyền sở hữu giọng nói nhân bản. Điều này tạo ra lỗ hổng lớn trong việc kiểm soát và ngăn chặn hành vi lạm dụng công nghệ nhân bản giọng nói.

3.2. Các quy định về bảo vệ quyền riêng tư

Các quy định hiện hành chỉ tập trung vào việc bảo vệ dữ liệu cá nhân mà ít quan tâm đến việc thu thập và sử dụng giọng nói. Điều này dẫn đến tình trạng giọng nói của các cá nhân có thể bị sao chép và sử dụng, mà không cần đến sự đồng ý rõ ràng từ chính chủ. Nếu không có yêu cầu pháp lý cụ thể về việc minh bạch trong xử lý giọng nói, nhiều công ty có thể lợi dụng lỗ hổng này để khai thác dữ liệu giọng nói một cách tùy tiện.

3.3. Biện pháp trừng phạt 

Việc thiếu các quy định cụ thể về chế tài đối với những hành vi lạm dụng giọng nói sao chép gây khó khăn trong việc truy cứu trách nhiệm. Ngay cả khi phát hiện lạm dụng giọng nói, việc xác định trách nhiệm giữa các bên: người dùng, nhà phát triển và công ty, vẫn gặp nhiều trở ngại do thiếu luật định rõ ràng. Tính đến nay, cũng chưa có quy định bắt buộc về việc bồi thường cho những cá nhân hoặc tổ chức bị thiệt hại khi phát sinh trường hợp sử dụng sai mục đích giọng nói nhân bản. 

3.4. Quy định về kiểm soát và giám sát 

Hiện nay, chưa có tổ chức độc lập nào chuyên giám sát và kiểm soát việc sử dụng công nghệ Voice Cloning. Điều này khiến các hành vi lạm dụng công nghệ khó bị phát hiện và truy cứu trách nhiệm. 

Thêm nữa, nhiều đơn vị có thể dễ dàng phát triển và triển khai công nghệ Voice Cloning mà không phải thông qua bất kỳ quy trình kiểm định hoặc cấp phép từ cơ quan chức năng. Hệ quả là nguy cơ lạm dụng công nghệ có xu hướng tăng, vì các tổ chức không bị ràng buộc bởi quy định pháp lý rõ ràng.

Quy định về kiểm soát và giám sát công nghệ Voice Cloning
Chưa có quy định về kiểm soát và giám sát việc sử dụng giọng nói nhân bản (Nguồn: telecomreview).

Trong khi công nghệ này phát triển nhanh chóng, luật pháp lại chưa thể theo kịp với các vấn đề mới phát sinh từ việc nhân bản giọng nói. Sự chậm trễ này tạo ra những vùng xám trong pháp lý, khiến các cá nhân và tổ chức gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình khi bị vi phạm.

4. Giải pháp và đề xuất xử lý

4.1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức

Các tổ chức và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về rủi ro liên quan đến giọng nói nhân tạo. Các hướng dẫn chi tiết về cách bảo vệ bản thân và nhận biết các cuộc tấn công sử dụng AI là vô cùng cần thiết.

Cụ thể, các tổ chức nên cung cấp tài liệu giúp cá nhân và doanh nghiệp nhận diện những dấu hiệu của lừa đảo qua tái tạo giọng nói. Những hướng dẫn này cần phải chi tiết và đi kèm video minh hoạ để giúp mọi người hiểu rõ cách thức. Từ đó đưa ra những phản ứng nhanh chóng để giảm thiểu rủi ro. Một vài hình thức tuyên truyền hiệu quả khác, bao gồm: chiến dịch truyền thông trên các phương tiện đại chúng và mạng xã hội, hoặc các buổi hội thảo và đào tạo về cách nhận diện và phòng tránh.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về Voice Cloning
Các tổ chức nên hướng dẫn, truyền thông và đào tạo về cách nhận diện và phòng tránh lừa đảo qua giọng nói.

Chính sách kiểm duyệt nội dung cũng là yếu tố quan trọng để kiểm soát những tác động xấu. Việc thiết lập quy định kiểm duyệt chặt chẽ sẽ giúp ngăn chặn sự lan truyền của các nội dung giả mạo, để bảo vệ người dùng và xã hội

4.2. Xây dựng khung pháp lý rõ ràng

Điều quan trọng nhất là mở rộng các quy định pháp lý hiện hành để bao gồm cả việc bảo vệ giọng nói nhân bản. Đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ và quyền công khai giọng nói. Đồng thời, cần thiết lập các quy định rõ ràng về bảo mật dữ liệu, nhằm đảm bảo các cá nhân có quyền kiểm soát thông tin của chính mình. Điều này đồng nghĩa, phải có quy định chặt chẽ hơn về vấn đề thu thập và sử dụng dữ liệu giọng nói. Và chắc chắn, khi có bất cứ hành vi lạm dụng giọng nói nào cũng sẽ bị xử phạt nghiêm trọng.

4.3. Phát triển công nghệ bảo vệ giọng nói

Phát triển các công nghệ nhận dạng giọng nói sinh trắc học, sử dụng cơ sở dữ liệu giọng nói được mã hóa sẽ đem lại độ bảo mật cao. Nghĩa là, bất cứ ai, ngoài chính chủ của giọng nói, sẽ chỉ được phép truy cập và sử dụng khi có sự đồng ý rõ ràng. 

Bên cạnh đó, việc xác thực đa yếu tố cũng có thể giảm thiểu rủi ro lạm dụng công nghệ. Bằng cách kết hợp xác thực bằng giọng với các yếu tố khác như: mã OTP, mật khẩu, hoặc vân tay sẽ làm giảm khả năng giọng nói bị lợi dụng cho mục đích xấu. 

Phát triển công nghệ bảo vệ giọng nói
Phát triển công nghệ nhận dạng giọng nói sinh trắc học, có tích hợp các yếu tố xác thực khác để ngăn chặn sử dụng giọng nói trái phép.

4.4. Tạo ra các tiêu chuẩn đạo đức

Cần có các tiêu chuẩn rõ ràng trong việc phát triển và sử dụng công nghệ tái tạo giọng nói: 

  • Thứ nhất, bắt buộc phải có sự chấp thuận rõ ràng từ cá nhân trước khi sao chép và sử dụng giọng nói của họ cho bất kỳ mục đích nào.
  • Thứ hai, các nhà phát triển phải công khai thông tin về mục đích sử dụng và cách bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
  • Thứ ba, các nhà phát triển cũng cần triển khai các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn việc sử dụng công nghệ vào các hoạt động trái pháp luật.
  • Cuối cùng, người dùng phải đảm bảo việc sử dụng giọng nói đã tuân thủ quy định về quyền sở hữu trí tuệ, và không vi phạm quyền của người sở hữu giọng nói.

Nhân bản giọng nói AI đã đặt ra nhiều thách thức lớn về mặt đạo đức và pháp lý. Vì vậy, việc phát triển một khuôn khổ luật pháp và chuẩn mực đạo đức rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của cá nhân và đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng là vô cùng cần thiết. Người dùng cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng công nghệ Voice Cloning, đồng thời nên lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín để tránh trường hợp xấu có thể xảy ra.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Nội dung chính
Try for Free